Sa dạ con là gì?
Sau sinh một tháng, tử cung của sản phụ vẫn chưa co giãn và trở về trạng thái bình thường mà còn khá to và nặng. Trong khi đó, các cơ và dây chằng ở vùng đáy chậu trải qua quá trình sinh nở bị co giãn quá mức nên chưa thể phục hồi lại trạng thái ban đầu nên không thể nâng đỡ tử cung, gây ra hiện tượng dạ con bị sa xuống dưới.
Nguyên nhân:
Sản phụ lao động nặng quá sớm sau khi sinh. Một tháng sau khi sinh, tử cung vẫn còn to và nặng, trong khi các cơ và dây chằng nâng đỡ ở đáy chậu còn đang mềm yếu, chưa phục hồi sau thai nghén. Điều này khiến dạ con dễ bị sa xuống dưới.
- Khó sinh, thời gian rặn sinh kéo dài hoặc thai nhi quá lớn.
- Sinh nở nhiều lần, bị táo bón kinh niên hoặc thiếu dinh dưỡng.
- Sinh non, xảy thai nhiều lần hoặc ít vận động trước và sau khi sinh
- Ho nhiều, nhịn tiểu, béo phì, buồng trứng mất chức năng nội tiết, ngồi xổm nhiều, tật bẩm sinh ở tử cung…
Trong một số trường hợp vị trí của tử cung thay đổi bao gồm tử cung tụt xuống hoặc dịch chuyển sang trái, sang phải, ra phía sau xương chậu. Nguyên nhân của chứng bệnh này là do sau khi sinh sản phụ ít vận động, nằm ngửa quá lâu, ngồi lâu hoặc có thói quen nằm nghiêng một bên.
Triệu chứng:
- Đau lưng, đau thắt lưng và tức bụng dưới.
- Thường xuyên buồn đại tiện, tiểu tiện nhưng lại không đi được hoặc đi được nhưng đau rát hoặc bị táo bón hay bí tiểu.
- Khi đi lại có cảm giác như có vật gì đang tụt xuống, nhớt dính và vướng nhưng khi nằm thì lại không thấy gì.
Sa dạ con khá phổ biến ở phụ nữ sau sinh với 3 mức độ khác nhau:
- Mức độ 1: Cổ dạ con vẫn còn trong âm đạo
- Mức độ 2: Cổ và một phần thân dạ con lồi ra bên ngoài âm đạo
- Mức độ 3: Toàn bộ dạ con lồi ra phía ngoài âm đạo, có thể bị viêm nhiễm hay bị loét.
Thông thường phụ nữ sau khi sinh thường bị ở mức độ nhẹ, đó là mức độ 1, nặng hơn một chút là ở độ 2, bệnh nhân có cảm giác nặng, trì xuống và căng tức ở vùng âm hộ. Có thể có hiện tượng đau lưng, đi ngoài khó và tiểu rắt. Đối với những trường hợp này, sản phụ cần giữ gìn cẩn thận, tránh gắng sức, tránh rặn (như lúc đi ngoài bị táo bón) thì khi dạ con nhỏ đi, phần đáy chậu chắc dần, dạ con sẽ được nâng dần lên và đỡ sa, có thể trở lại bình thường. Nếu đã nghỉ ngơi nhưng vẫn cảm thấy khó chịu sản phụ cần đi khám để được bác sỹ tư vấn và biện pháp điều trị kịp thời.
Hy vọng bài viết sẽ giúp ích nhiều cho các bạn!
RSS